Subscribe Us

header ads

Sóng mòn - Sự bất lực của trí thức xưa trước thời cuộc

Nam Cao viết xong tiểu thuyết “Sống mòn” ở làng Đại Hoàng vào năm 1944. Giống như những tác phẩm khác cùng thời, “Sống mòn” cũng nói về những con người lam lũ, khốn cùng trong xã hội đầy rẫy những bất công. Chính cái xã hội đầy những bất công ấy đã biến những KẺ SĨ thành nhưng người đôi khi nhỏ nhen, ích kỉ.




Cốt truyện của “Sống mòn” không cổ động hay cổ vũ con người ta vượt lên nghịch cảnh của xã hội, mà miêu tả một cách chân thật cuộc sống thiểu não đôi khi là nhỏ nhen của trí thức tư sản nghèo.
Từ cuộc sống của nhưng con người ấy, ta nhìn thấy một hiện thực đầy ám ảnh về vận mệnh chung của cả một thế hệ đầy những chua xót, buồn thảm, sống không còn nguyên vẹn ý nghĩa là sống.

Toàn bộ tiểu thuyết được bao trùm bởi một xám ảm đạm. Mạch truyện từ đầu đến cuối đều diễn tả cuộc sống quẩn quanh, tù túng của những kẻ trí thức nghèo, họ bị nhấn chìm bởi sự nghiền ngẫm suy tư, tính toán. Vì khổ sở đủ đường như thế, nên con người ta mới chi li tính toán với nhau, mới lừa gạt nhau, mới sống ích kỉ với nhau. Nam Cao nhìn thấy được hết những nhỏ nhen tiểu tiết đó của cả một xã hội, nên ông mới than rằng “Con người ta, vào cái hạng phải nai lưng ra làm thì mới có được miếng ăn, thì chỉ lo sao kiếm nổi mỗi ngày vài bữa cơm no đã chật vật lắm rồi. Nhưng thật ra thì ăn no đã đủ đâu. Nếu sống mà không thấy sống là vui, thì thật không đáng sống.” hay “biết bao nhiêu tài năng không được nảy nở, chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt.”



Giọng văn của Nam Cao khiến người ta hình dung ra được một xã hội dường như đang co lại, đang siết chặt, dồn nén người ta đến mức muốn tan ra thành nước. Khi mà mọi hoạt động, mọi suy nghĩ, tâm tư tình cảm đều bị che lấp, bị bòn rút bằng sạch bởi một xã hội đổ nát, đến mức cơm không có mà ăn, chỉ biết để tiền đó mà đóng thuế, phu phen. Những con người thấp cổ bé họng như Thứ, San, Oanh, Đích hay ngay cả thằng Mô – chỉ là một thằng người ở vẫn cố vươn ra, gắng gượng tìm lối thoát, nhưng cuối cùng lại chỉ biết sống cho hết một kiếp người thì thôi. Sự vận hành chậm chạp của không gian và thời gian trong “Sống mòn” làm người ta bức rứt khó chịu, cũng làm người ta giật mình nhận ra rằng: họ sống như thể đã chết.

Cái kết của “Sống mòn” không mở ra được chân trời mới cho những con người ấy, cũng chẳng hướng họ về một ngã rẽ tươi sáng hơn, nó chỉ đơn thuần nhấn mạnh rằng cuộc đời họ thế là xong, vẫn phải sống quằn quại, nhăn nhó, cắn giết lẫn nhau, giẫm đạp lên nhau cho đến chết.

- Thùy Anh -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét