Mỗi người trong đầu đều có hai hạch hạnh nhân (hạch amygdala ) nằm giữa sâu trong thùy thái dương của não, khi có kích thích từ bên ngoài hạch hạnh nhân sẽ giúp chúng ta nhận thức và phản ứng được với các cảm xúc yêu, ghét, hay lo lắng, sợ hãi…mà tất cả người bình thường chúng ta đều có. Riêng Yoon Jae lại không may mắn khi sở hữu hạch hạnh nhân rất rất nhỏ, mắc chứng bệnh Alexithymia – mất khả năng biểu đạt cảm xúc. Từ khi chào đời Yoon Jae đã không hề cười, khi lên sáu chứng kiến cảnh cậu bé bị đánh đến chết Yoon Jae cũng bình thản và đau đớn hơn là ngay cả khi bà, mẹ – người thân duy nhất của cậu chết trước mặt thì cậu cũng chẳng thể làm được gì. Và dần cậu trở thành một đứa bé không bình thường trong mắt mọi người xung quanh và thứ mua vui trong mắt đám bạn.
Sẽ thế nào nếu ta không thể nói yêu hay ghét một điều gì đó, không cảm nhận được những thứ cảm xúc thiêng liêng? Thế nên Fred Rogers cũng từng nói “ Có một vấn đề với từ “khuyết tật”: khi chúng ta nghe đến nó, ngay lập tức ta nghĩ về một người không có khả năng nhìn, nghe, nói hay làm những công việc mà chúng ta coi là căn bản. Nhưng những người không thể xây dựng nên những mối quan hệ gần gũi và bền chặt thì sao? Và những người không thể làm cuộc sống của mình có ý nghĩa, những người mất hy vọng, những người sống trong thất bại, đắng cay và cạn kiệt nguồn vui? Đó, theo tôi, mới chính là khuyết tật.”
Tình yêu thương, sự nỗ lực của người mẹ
Có đứa con như Yoon Jae điều đầu tiên người mẹ làm chính là không bỏ rơi cậu. Mặc dù lo lắng, đau khổ, nước mắt giàn giụa thì bà vẫn mạnh mẽ tự nhủ nghĩ theo chiều hướng tích cực rằng à thì đó là dũng cảm, là điềm tĩnh mặc dù sự thật không phải vậy mà còn đau lòng hơn thế nữa. Bà còn cho Yoon Jae ăn đủ thứ loại hạnh nhân với niềm tin nhỏ nhoi rằng như vậy hạch hạnh nhân trong não cậu sẽ to ra. Thậm chí bà đã cắt dán những mẩu giấy có các từ miêu tả cảm xúc tương ứng với hành động cần làm để dạy Yoon Jae học thuộc những thứ mà với mọi người là sẵn có. Bà đã rất kiên cường chiến đấu với hạch hạnh nhân trong con trai mình nhiều năm như vậy.
Tình yêu thương của bà dành cho Yoon Jae nhiều bao nhiêu thì nỗ lực giúp cậu thích nghi với cuộc sống, trở thành một người bình thường lớn bấy nhiêu.
Những người thay đổi cuộc đời Yoon Jae
Với một đứa trẻ đang tuổi mới lớn thì một người chịu lắng nghe để thấu hiểu và giúp đỡ như tiến sĩ Shim và giáo sư Yoon chính là tấm che chắn tốt nhất cho những tâm hồn, trái tim bé bỏng như vậy.
Gon xuất hiện như là một cực nam châm trái ngược với Yoon Jae Gon lại bộc lộ mọi cảm xúc mãnh liệt, một cậu nhóc ngang ngược, có gì đó côn đồ luôn kiếm chuyện với Yoon Jae nhưng Yoon Jae lại không nghĩ cậu như vậy. Và chẳng phải nam châm trái dấu sẽ hút nhau hay sao? Rồi Yoon Jae và Gon sẽ trở thành những người bạn thực sự của nhau?
Một ngày cô bé Do Ra xuất hiện như một làn gió mới mang vẻ đẹp và mùi thơm đến cuộc đời Yoon Jae khiến cậu có những cảm nhận mới chưa từng gọi tên trước đây.
Tính nhân văn
“ Tình yêu là thứ có thể biến con người thành con người, đồng thời cũng có thể biến con người thành quái vật.”
Cuộc sống của Yoon Jae tuy khó khăn nhưng cũng rất nhiều màu mà nếu nhiều màu thì đâu phải cuộc sống tẻ nhạt đâu. Yoon Jae vẫn gặp gỡ những con người đặc biệt thay đổi cuộc đời cậu, vẫn dần trưởng thành…. Nhờ cuốn sách mà độc giả có thể hiểu được suy nghĩ của những người mất khả năng biểu đạt cảm xúc, không phải khi mất đi khả năng về cảm xúc thì con người ta cũng mất luôn tình yêu thương chỉ là họ thể hiện theo cách khác có thể nhìn thấy hoặc không như cách mà Yoon Jae quan tâm, cứu lấy cuộc đời Gon vậy.
Hạnh Nhân thực sự là câu chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng giúp thấu cảm nỗi đau và gõ cửa sự đồng cảm trong mỗi tâm hồn người đọc.
-ST-
0 تعليقات